Mô hình "hộp mù" được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Ảnh minh hoạ: FB/Miki Rai. |
Theo dữ liệu của Verified Market Reports, giá trị thị trường blind box (tạm dịch: “hộp mùi”, “túi mù”) đạt mức 13,6 tỷ USD trong năm 2023, dự kiến chạm mốc 31,2 tỷ USD vào cuối năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,7% trong giai đoạn dự báo 2024-2030.
Blind box là loại sản phẩm được đóng gói kín, tạo sự bất ngờ cho người mua khi mở ra. Sức hút của chúng đến từ yếu tố bí ẩn, thôi thúc người mua sưu tầm.
Mô hình này bắt đầu phổ biến trên toàn thế giới từ năm 2010, đặc biệt nhờ sự thành công của Pop Mart, một trong những nhà sản xuất blind box lớn nhất thế giới, đơn vị phát hành món đồ chơi Labubu nổi tiếng, theo Forbes.
Sau khi thị trường blind box trở nên sôi động trong những năm gần đây, “hộp mù” không chỉ còn chứa đồ chơi, mô hình nhân vật, phụ kiện sưu tập. Mô hình kinh doanh khơi gợi sự tò mò này bắt đầu được ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm, thời trang và làm đẹp.
'Túi mù' đồ ăn
Tại một số thành phố ở Trung Quốc, “hộp mù còn sót lại” trở thành xu hướng được ưa chuộng trong lĩnh vực F&B. Cụ thể, các nhà hàng đóng gói ngẫu nhiên thực phẩm, đồ uống còn lại cuối ngày, bán ra với mức giá chiết khấu, Chinanews đưa tin.
Trào lưu này thu hút khách hàng trẻ - những người mong muốn mua thực phẩm với mức giá ưu đãi. Sushi 100 NDT, bánh ngọt và thực phẩm nấu chín 30 NDT đều được bán với mức giảm giá lên đến 70%.
Những “túi mù” không chứa đồ ăn thừa, mà đựng thực phẩm chưa bán hết từ các cửa hàng trước giờ đóng cửa. Các đơn vị kinh doanh kết hợp ngẫu nhiên những mặt hàng sót lại trên kệ và bán cho người tiêu dùng.
'Túi mù' đồ ăn chưa bán hết trở nên thịnh hành tại Trung Quốc, thu hút khách hàng trẻ. Ảnh: Photo/IC. |
Khách hàng mua “hộp mù” thực phẩm vì thích cảm giác tò mò và muốn hưởng mức giá ưu đãi.
Trào lưu này được hưởng ứng ở các thành phố lớn tại Trung Quốc. Chương trình “hộp mù còn sót lại” Xishi Magic Bag của WeChat được thực hiện ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Nam Kinh và Côn Sơn.
Các công ty F&B đem đến chương trình khuyến mãi thông qua hình thức blind box thường có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ. Mô hình kinh doanh này hưởng ứng phong trào chống lãng phí thực phẩm ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Zhu Danpeng, một nhà phân tích thực phẩm và đồ uống ở Quảng Châu, Quảng Đông, bày tỏ mối lo liên quan đến an toàn thực phẩm khi chứng kiến sự nở rộ của trào lưu này. Theo ông, “hộp mù còn sót lại” có thể sử dụng đồ ăn, thức uống gần hết hạn, được bảo quản trong điều kiện không rõ ràng.
'Hộp mù' thời trang, mỹ phẩm
Theo Vogue, blind box được xem là một trong những xu hướng lớn trong lĩnh vực thời trang năm nay. Thương hiệu đồ tập Set Active thu hút sự chú ý khi trình làng “túi mù” Set Surprise.
Khi mua “hộp mù” này, khách hàng nhận được mức giá ưu đãi với điều kiện không được chọn hàng hay hoàn trả. Người mua chỉ được lựa kích cỡ phù hợp.
Nhãn hàng thời trang thể thao này cung cấp 3 loại blind box, với dòng cao cấp nhất bao gồm 8 món có giá thành 100 USD. Trong khi đó, chỉ một chiếc quần nỉ của thương hiệu được bán với giá 102 USD.
Các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm cũng gia nhập đường đua blind box. Ảnh: Set Active, Amanda Krause. |
Bên cạnh Set Active, thương hiệu thời trang dạo phố Madhappy cũng ứng dụng mô hình kinh doanh hộp bí ẩn để xử lý hàng tồn kho và thu hút người tiêu dùng trẻ. “Túi mù” Optimistic Box giống như một canh bạc, có thể khiến khách hàng vui sướng hoặc thất vọng.
Theo Lindsey Carter, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Set Active, trong lần đầu tiên ứng dụng mô hình này, thương hiệu bán hết toàn bộ hàng đóng gói. Lần thứ 2, nhãn hàng tăng gấp đôi số lượng hàng tồn và tiếp tục bán hết. Kết quả tương tự diễn ra ở lần thứ 3.
Trong lĩnh vực mỹ phẩm, chuỗi cửa hàng Sephora đã ứng dụng mô hình blind box vào hoạt động kinh doanh từ lâu. Đơn vị phân phối sản phẩm làm đẹp này từng thu hút sự chú ý khi trình làng “túi mù” mỹ phẩm mẫu giá rẻ chỉ 16 USD.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.