Ngày 24/3, VinFast chính thức giới thiệu mẫu xe điện VF e34 tại Việt Nam. Đây là mẫu xe điện được VinFast định vị thuộc phân khúc SUV hạng C. Xe có giá bán 690 triệu đồng.
Điểm đặc biệt trong thông tin giới thiệu VF e34 nằm ở chính sách cho thuê pin để vận hành. Theo giới chuyên môn, đây là một cách tiếp cận mới. Tuy có những ưu điểm, việc cho khách hàng thuê pin vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết.
Hình thức mới ở cả nước ngoài
Trả lời Zing, TS. Trương Quí Hoàng Phương, chuyên gia nghiên cứu, phát triển công nghệ mới tại tập đoàn BMW Đức, cho rằng cách tiếp cận khách hàng này của VinFast khá khôn ngoan. Pin là một trong những thành phần đắt nhất của xe điện, do vậy việc bỏ pin khỏi giá thành sản phẩm giúp giá xe dễ tiếp cận hơn.
“Xe điện thường có giá cao hơn các xe cùng phân khúc chạy bằng xăng. Chi phí đội lên nhiều ở bộ phận pin. Vì vậy, việc VinFast khấu trừ pin ra khỏi giá thành sản phẩm, chuyển thành phần này sang cho thuê là cách làm khéo léo”, TS. Hoàng Phương phân tích.
Hãng xe Nio của Trung Quốc đã áp dụng hình thức cho thuê pin trên nhiều mẫu xe của mình từ năm 2020. Tuy nhiên, hãng này có thêm những trạm thay pin nhanh. Ảnh: Nio. |
Dựa trên cấu hình của VinFast, TS Hoàng Phương ước tính viên pin có trị giá khoảng 9.000 USD, tương đương 207 triệu đồng. Trong khi đó, ông Sam Jaffe, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Cairn Energy Research Advisors thì cho rằng giá viên pin như vậy khi về đến nhà sản xuất sẽ rẻ hơn.
"Tôi chưa rõ về công nghệ, nhà sản xuất pin cho VinFast. Tuy nhiên, nếu tính giá cao hơn khoảng 15% so với thị trường Trung Quốc thì với dung lượng 42 kWh, viên pin sẽ có giá khoảng 5.000-7.000 USD", ông Jaffe chia sẻ với Zing.
Tuy có thể làm cho giá bán xe rẻ hơn, không có nhiều hãng xe điện sử dụng hình thức cho thuê pin. Ví dụ nổi tiếng nhất là hãng Nio của Trung Quốc. Vào tháng 8/2020, Nio công bố chương trình cho thuê pin, trong đó người dùng có thể trả mức giá thấp hơn cho xe điện không gắn pin.
Việc VinFast khấu trừ pin ra khỏi giá thành sản phẩm, chuyển thành phần này sang cho thuê là cách làm khéo léo.
TS. Trương Quí Hoàng Phương, chuyên gia nghiên cứu, phát triển công nghệ mới tại tập đoàn BMW Đức.
Cách làm này của Nio tương tự VinFast, giúp giảm giá thành mua xe cho người dùng. Viên pin được cho thuê trên VF e34 được gắn vào xe, chỉ được thay khi khả năng nạp còn dưới 70%. Người dùng có thể sạc tại nhà hoặc ở các trạm sạc nhanh.
Tuy vậy, khác biệt lớn nhất là xe Nio được thiết kế để có thể thay pin nhanh chóng tại 143 trạm khắp Trung Quốc. Trong năm nay, Nio tuyên bố sẽ đầu tư thêm 500 trạm thay pin tương tự.
Tại châu Âu, model Zoe ZE 40 của Renault cũng áp dụng cho thuê pin tương tự VinFast với giá 109 euro/tháng. So với Renault, giá cho thuê pin của VinFast rẻ hơn một nửa trong điều kiện cùng dung lượng và quãng đường. Tuy nhiên, Renault sau đó đã bỏ hoàn toàn chính sách thuê pin vì quá nhiều vấn đề phát sinh từ nhu cầu đa dạng của người dùng.
Các hãng xe điện lớn còn lại như Tesla, Toyota, Chevrolet đều áp dụng hình thức bán xe kèm pin. Viên pin thường được bảo hành lâu hơn các linh kiện khác, như trong trường hợp của Tesla là 8 năm hoặc 100.000 dặm (161.000 km).
Lợi cho hãng xe hay cho người dùng?
Do pin là thành phần đắt đỏ trên xe điện, việc cho thuê có 2 lợi ích đối với người dùng. Ngoài giá thành khi mua xe giảm xuống, thì bản chất không sở hữu viên pin phần nào cũng giảm rủi ro phải bỏ số tiền lớn để thay pin khi hết bảo hành.
Tuy nhiên, ông Jaffe cho rằng độ bền của pin không phải vấn đề quá lớn nếu tính đến cả chính sách bảo hành của các hãng xe.
Hóa đơn thay pin trên mẫu Tesla Model 3 của một người dùng tại Mỹ. Trong đó, chi phí viên pin là 13.500 USD. Ảnh: Current Automotive. |
"Mô hình cho thuê pin giúp người dùng không phải lo nghĩ tới tuổi thọ pin nữa. Dù vậy, đây cũng không phải mối lo ngại quá lớn bởi các hãng xe điện đều bảo hành pin 6-8 năm, thường là dài hơn nhiều so với các linh kiện khác trên xe. Có rất ít trường hợp pin hỏng trước hạn bảo hành", ông Jaffe nhận định.
Tất nhiên, cũng có những trường hợp xe gặp sự cố dẫn tới hỏng pin nhưng không nằm trong diện bảo hành. Lúc này, giá thay pin sẽ thực sự là vấn đề. Để thay pin của Nissan Leaf, người dùng cần bỏ ra 15.000 USD. Vào tháng 10/2020, một người dùng mẫu Tesla Model 3 cũng đăng hóa đơn cho thấy anh này phải thay pin với chi phí tổng cộng gần 16.000 USD. Trong đó, giá viên pin là 13.500 USD, còn lại là phí nhân công.
"Các hãng xe lấy giá thay thế đắt hơn nhiều so với chi phí pin thật, bởi thực tế là người dùng không thể tự đi tìm một viên pin giống như bên trong xe. Kể cả khi có tìm được, máy tính trong xe cũng không nhận vì các lý do an toàn", ông Jaffe chia sẻ.
Chuyên gia này cũng cho rằng các quốc gia có khí hậu nóng là môi trường bất lợi hơn cho xe chạy pin, bởi khi hoạt động trong vùng nhiệt độ cao thì pin sẽ mất dung lượng nhanh hơn.
Renault Zoe ZE40 là mẫu xe hiếm hoi tại châu Âu bán với hình thức cho thuê pin. Tuy nhiên, sau đó hãng đã bỏ phương án thuê pin. Ảnh: Green Car Guide. |
Đối với các hãng xe, khi có thể thu tiền của người dùng để thay pin hàng năm, đây sẽ là nguồn thu ổn định bên cạnh tiền bán xe.
"Mô hình này có thể mang lại một nguồn doanh thu quan trọng như trong trường hợp của Nio", ông Aman Madhok, nhà phân tích mảng thị trường xe của Counterpoint Research chia sẻ với Zing.
Nhiệt độ sẽ ảnh hưởng tới chính sách bảo hành pin, bởi ở vùng nóng thì pin sẽ mất dung lượng nhanh hơn. Pin xe điện ở Việt Nam chắc chắn sẽ nhanh hỏng hơn xe ở Thụy Điển
Sam Jaffe, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Cairn Energy Research Advisors.
Đối với các hãng xe điện ở nước ngoài, ngoài việc bán thẳng cho người dùng còn có hình thức cho thuê xe, bao gồm cả pin để sử dụng lâu dài. Đa phần các hãng sẽ nhận một khoảng tiền cọc để cho thuê xe. Sau thời gian sử dụng, xe sẽ được trừ khấu hao. Nếu người dùng muốn mua luôn chiếc xe sẽ phải trả thêm một khoản tiền nhỏ tương đương phần khấu hao và lãi suất.
“Họ cho thuê toàn bộ chiếc xe vì nếu không có pin, xe không thể hoạt động. Xe và pin là hai phần không thể tách rời. Nói cách khác, đây là hình thức bán trả góp nhưng có hỗ trợ thu hồi xe. Nghĩa là nếu không muốn thuê nữa, người dùng có thể trả toàn bộ chiếc xe về hãng”, ông Hoàng Phương phân tích.
Ở trường hợp của VinFast, ông Phương cho rằng “điểm mù” của chính sách cho thuê pin nằm ở việc người dùng nếu không có nhu cầu thuê pin nữa, chiếc xe sẽ không thể vận hành.
“Nếu tôi không muốn thuê pin nữa, tôi đem trả pin lại, vậy xác xe của tôi sẽ được dùng vào việc gì? Bản chất việc thuê pin không mấy khác biệt so với việc thuê toàn bộ chiếc xe. VinFast cân bằng giữa việc giảm giá bán xe, thu tiền bán xe, giải quyết nỗi lo về tuổi thọ pin cho người dùng”, ông Phương cho biết.
Theo ông Phương, để hoàn thiện chính sách bán hàng, VinFast cần cung cấp thêm thông tin về giá thành pin.
“Nếu tôi không muốn thuê pin nữa hay trong quá trình sử dụng tôi làm hư pin thì số tiền tôi phải chịu có ngang với tiền mua xe hay không? Đường sá Việt Nam rất dễ khiến phần pin bên dưới gầm bị tổn thương”, ông Phương đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, VinFast cũng cần bổ sung chính sách mua đứt xe hoặc thu cũ đổi mới nếu người dùng không muốn thuê pin nữa. Hiện tại, khó khăn của việc cho thuê pin cũng đang tạo ra thử thách lớn mà đội ngũ phát triển VinFast cần vượt qua. Khó khăn đầu tiên là chi phí đầu tư hệ thống trạm sạc và pin cho thuê.
Bên trong viên pin của một chiếc Tesla Model 3. Do cấu trúc phức tạp, lại yêu cầu đồng bộ với các hệ thống máy tính quản lý trên xe, nên thay pin là một trong những chi phí cao nhất nếu hết bảo hành. Ảnh: Calimotive. |
“Công nghệ pin được sử dụng trên xe VinFast VF e34 có giá thị trường khoảng 200 USD/kWh. 42 kWh tương đương với 9.000 USD/pin”, ông Phương phân tích.
Theo ông Phương, trong tương lai, công nghệ pin sẽ có nhiều đột phá khiến giá thành rẻ hơn. Lúc đó, bài toán về chi phí mua đứt xe sẽ không quá quan trọng. Điều này dẫn tới việc mô hình cho thuê pin không thật cần thiết.