Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vỡ mộng freelancer

Gần một năm trôi qua nhưng freelancer Ngọc Trinh (Hà Nội) vẫn chưa nhận được thù lao từ đối tác. Cảnh tài chính bấp bênh cũng khiến Ngọc Uyên (TP.HCM) quay lại công việc văn phòng.

Sự bấp bênh về thu nhập đã thôi thúc Ngọc Trinh (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định quay trở lại văn phòng sau 2 năm lao động tự do.

Trước đó, trong thời gian là freelancer trong lĩnh vực digital marketing, Ngọc Trinh đảm nhiệm các công việc như báo giá, làm hợp đồng và thu hồi nợ ngoài công tác chuyên môn.

Dịp cận Tết Nguyên đán 2024, freelancer này ái ngại khi các nhãn hàng liên tục xin khất khoản thanh toán. Nỗi lo lắng nhân lên khi cô nhận thấy bạn bè làm việc ở văn phòng đều có lương tháng thứ 13, thưởng Tết để chi tiêu dịp cuối năm.

“Thậm chí, đến nay tôi vẫn chưa nhận được khoản thanh toán từ một dự án hồi mùa hè năm 2023. Gần 1 năm trôi qua kể từ khi tôi tiến hành nghiệm thu”, freelancer nói.

freelancer vo mong,  tai chinh bap benh,  cong viec van phong,  lao dong tu do,  Ngoc Trinh anh 1

Nhiều người lao động tự do quay trở lại văn phòng sau một thời gian thử sức với công việc freelance. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Sau một thời gian theo đuổi sự nghiệp freelance, nhiều người trẻ hối hận vì những khó khăn như thiếu chế độ phúc lợi, không có thu nhập ổn định hàng tháng hay hiệu suất công việc giảm sút. Trong khi một số quyết định trở lại với vị trí nhân viên văn phòng, nhiều người lao động tự do vẫn loay hoay, chưa tìm ra phương án giải quyết.

"Freelancer tự do, nhưng phải tự lo", tiến sĩ Trần Nguyên Đán, đến từ Đại học Santa Clara (Mỹ), trao đổi với Tri thức - Znews về thực trạng công việc freelance.

Một thời hoàng kim

Xu hướng làm việc tự do bùng nổ vào thời kỳ dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới.

Theo báo cáo về việc làm tự do được tổ chức kết nối freelancer và doanh nghiệp Upwork công bố năm 2019, 57 triệu công dân Mỹ làm công việc tự do về không gian, thời gian, đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD cho quốc gia này.

Theo Hayden Brown, Giám đốc điều hành Upwork, số lượng lao động tự do tăng vọt khi quy định giãn cách xã hội được đưa ra. Nhiều nhân sự mong muốn kết nối với các công ty để nhận công việc tại nhà, chuộng hình thức làm việc từ xa.

Theo báo cáo Intuit 2020, khoảng 40% lực lượng lao động tại Mỹ trở thành freelancer vào năm 2020. Đây là thực tế không chỉ diễn ra ở Mỹ, mà còn xuất hiện tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới trong thời điểm đó.

freelancer vo mong,  tai chinh bap benh,  cong viec van phong,  lao dong tu do,  Ngoc Trinh anh 2

Sự nghiệp tự do được nhiều người theo đuổi trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Năm 2021, từ khi công việc văn phòng bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, Ngọc Uyên (27 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) trở thành một nhân sự tự do. Uyên không còn đối mặt với cảnh hối hả, chen chúc hàng giờ trên con đường Cộng Hòa để đến công ty mỗi ngày. Với cô, đó là “chân ái cuộc đời".

Làm việc trong lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện, cô tự nhận mình là người năng động, dễ kết nối với mọi người. Nhờ vào mối quan hệ, Ngọc Uyên nhận được nhiều công việc khác nhau khi là một nhân sự tự do.

“Tôi viết tin cho blog, phát triển fanpage, mạng xã hội cho các nhãn hàng nhỏ, tổ chức sự kiện, PR. Do không trực thuộc công ty nên tôi được thoải mái làm việc với nhiều bên khác nhau, miễn sắp xếp được thời gian và ‘deal' được chi phí hợp lý", cô nói.

Thời điểm đó, Uyên cho biết cô có thể kiếm được hơn 20 triệu đồng/tháng. Số tiền tuy không nhỉnh hơn nhiều so với công việc văn phòng, song được làm việc tự do toàn thời gian khiến cô thấy thoải mái tinh thần.

“Tôi không có sếp, không phải họp hành quá nhiều, sáng có thể ngủ đến 12h rồi làm bù sau đó", cô nói.

‘Vỡ mộng’

Kéo dài được 2 năm, đến đầu 2024, Ngọc Uyên quyết định quay trở lại làm việc văn phòng. Với cô, công việc freelancer là giấc mơ nhưng hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp để cô gắn bó lâu dài.

Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, Uyên cho biết cô vẫn có công việc đều đặn mỗi tháng, tuy nhiên thu nhập lại bấp bênh, khó kiểm soát.

“Có tháng tôi nhẩm tính mình làm được rất nhiều, nhưng mãi đến cuối tháng vẫn chưa được khách hàng nghiệm thu. Tôi cứ lấy tiền từ tháng này đắp sang tháng khác, làm mãi vẫn không thấy dư”, Uyên chia sẻ.

Nhiều lần, khi làm việc cùng với các đơn vị thi công sự kiện khác, Uyên cũng phải là người trực tiếp ứng tiền, sau đó mới làm việc lại với nhãn hàng, ít đề cập đến vấn đề thanh toán chi phí vì muốn “giữ mối”.

Hóa đơn sinh hoạt dồn dập đến vào ngày 10 mỗi tháng khiến freelancer này khủng hoảng tinh thần.

Hàng loạt vấn đề quản lý về tài chính, chi tiêu trong khi thu nhập “trồi lên tụt xuống" thất thường là lý do hàng đầu khiến Uyên chọn quay lại với văn phòng.

freelancer vo mong,  tai chinh bap benh,  cong viec van phong,  lao dong tu do,  Ngoc Trinh anh 3

Minh Tuấn loay hoay chi trả viện phí khi không có bảo hiểm vì làm việc tự do.

“Freelancer hiện nay trên thị trường rất cạnh tranh, ai không nhanh thì ‘miếng bánh’ về tay người khác. Sau 2 năm bôn ba, tôi hiện tại ưu tiên sự ổn định mỗi tháng. Nếu thời gian cho phép tôi vẫn sẽ nhận thêm việc bên ngoài, nhưng có lẽ cũng rất khó”, cô nói.

Trong khi đó, Minh Tuấn (27 tuổi, quận 3, TP.HCM), nhân sự thiết kế đồ họa, cũng vỡ mộng chỉ sau gần 1 năm trở thành freelancer.

Thấy bạn bè xung quanh hoàn toàn có thể kiếm được thu nhập ổn định khi làm việc tự do, Tuấn liều mình xin nghỉ việc. Tuy nhiên, anh không ngờ mình phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến thuế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế… vốn là những phúc lợi của nhân sự “9 to 5”.

“Có lần tôi nằm viện tốn rất nhiều tiền, từ đó tôi mới biết việc có bảo hiểm là rất quan trọng. Trước giờ chỉ phụ thuộc vào công ty, năm ngoái tôi phải lân la tìm hiểu một loại bảo hiểm phù hợp để ‘phòng thân'”, Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, Tuấn còn gặp vấn đề trong việc tự thúc đẩy bản thân. Không còn sếp hay đồng nghiệp quản lý, anh nhiều lần bê tha, thiếu nghiêm túc trong công việc.

“Thời gian đầu tôi rất hăng say kiếm job, được vài tháng sau tôi lại lười. Có những dự án, tôi để đến gần deadline mới làm. Thói quen làm việc thiếu khoa học này khiến tinh thần tôi sa sút", anh nói thêm.

Đó là chưa kể đến những lần anh gặp khách hàng khó tính, nhiều “yêu sách". Vì thiếu việc, không có kỹ năng đàm phán tốt, anh đành chấp nhận làm với giá thấp hơn kỳ vọng.

Người lao động tự do phải tự lo như thế nào?

Theo tiến sĩ Trần Nguyên Đán, freelancer không được hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp rơi vào cảnh mất việc.

Ngoài ra, các công việc cần đội ngũ freelancer tham gia thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hạn. Điều này gây khó nếu họ muốn duy trì khoản tiền tiết kiệm cố định để dự phòng cho các trường hợp rủi ro.

Thu nhập của freelancer phụ thuộc vào từng dự án và thời điểm. Để đề phòng cho những lúc công việc không thuận lợi, ông cho rằng người lao động tự do chỉ nên chi tiêu 30% thu nhập (tính theo đợt thanh toán) của mình.

Freelancer cần xác định nguồn tài chính theo quý hoặc năm, thay vì tính từng tháng như nhân viên văn phòng. Cách làm này đem lại cái nhìn chính xác, tổng quát để xây dựng kế hoạch tài chính hiệu quả.

Không bị gò bó về thời gian, freelancer có thể làm nhiều công việc cùng một lúc. Nhưng để đảm bảo đạt được mục tiêu tài chính theo thời hạn đề ra, người lao động tự do vẫn nên tham gia đầu tư sớm.

Nhân sự tự do cần dự phòng khoản tiền tiêu dùng cho khoảng 6 tháng. Đây là thời gian trung bình của chu kỳ thất nghiệp thường thấy ở loại hình làm việc tự chủ về thu nhập này.

Freelancer không có bảo hiểm do người sử dụng lao động cam kết, vì vậy, nên lo liệu cho mình qua hình thức mua bảo hiểm.

freelancer vo mong,  tai chinh bap benh,  cong viec van phong,  lao dong tu do,  Ngoc Trinh anh 4

Freelancer cần lên kế hoạch quản lý chi tiêu, thời gian làm việc hiệu quả khi tự do và tự lo. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Bên cạnh việc quản lý tài chính, freelancer cũng cần xây dựng chiến lược cụ thể để thành công trên con đường đã chọn. Forbes đưa ra một số lời khuyên giúp người lao động tự do quản lý công việc hiệu quả hơn.

  • Tư duy như một doanh nghiệp: Người làm công việc tự do cần tự cân đối chi phí thực hiện dự án, đàm phán giá với đối tác, quyết định phương thức và thời gian thanh toán, tiếp thị bản thân, chấp nhận “lấy công làm lãi” trong thời gian đầu.
  • Quản lý thời gian hiệu quả: Freelancer nên tuân thủ lịch làm việc cố định hàng ngày, lên kế hoạch trước cho một tuần, giới hạn thời gian cho từng nhiệm vụ/dự án, đánh giá hiệu suất sau mỗi tháng/quý.
  • Xây dựng mối quan hệ: Các phương án xây dựng mối quan hệ, tiếp thị hiệu quả là quảng bá công việc của bản thân trên các nền tảng mạng xã hội, nhờ người quen hoặc khách hàng trước giới thiệu, tham gia nhiều hội nhóm/diễn đàn/sự kiện trong lĩnh vực.

Trả 500.000 đồng cho bản CV giống hàng trăm người khác

Mất tiền cho dịch vụ thiết kế CV nhưng Thu Thảo (Hà Nội) nhận về sản phẩm chẳng khác mẫu miễn phí trên mạng. Phía designer khẳng định CV như vậy mới "thể hiện sự chuyên nghiệp".

Nhân sự thời Gen Z

Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.

Linh Vũ - Mỹ Trinh

Bạn có thể quan tâm