Đối với người dùng ôtô điện, thông số phạm vi vận hành được xem trọng bậc nhất và là yếu tố then chốt quyết định đến tính hữu dụng của loại phương tiện này.
Với mỗi dòng xe điện khi bán ra thị trường, nhà sản xuất sẽ công bố khả năng di chuyển khi sạc đầy pin.
Hiện nay, có 3 hệ thống tiêu chuẩn phổ biến để kiểm tra phạm vi hoạt động của xe điện, bao gồm Chu trình lái xe châu Âu (NEDC), Quy trình kiểm tra xe hạng nhẹ toàn cầu (WLTP) và Các bài kiểm tra của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).
Vậy những tiêu chuẩn này khác biệt nhau ra sao và xe điện được thử nghiệm như thế nào?
NEDC và WLTP tập trung đo đạc ở ngoại ô và đô thị
Điểm chung quan trọng của 2 tiêu chuẩn NEDC và WLTP là thử nghiệm cho nhu cầu di chuyển chủ yếu ở ngoại ô và đô thị của người dùng ôtô tại châu Âu, từ đó thu thập được kết quả vận hành của xe điện.
Khác biệt chính nằm ở việc NEDC được tiến hành trong điều kiện lý tưởng ở phòng thí nghiệm với hệ thống máy móc đo đạc, kiểm tra để có được kết quả. Các bài thử được thực hiện dựa theo số liệu ghi nhận thói quen sử dụng, vận hành xe ở nhiều khu vực giao thông khác nhau.
VinFast VF e34 có phạm vi di chuyển tối đa khi sạc đầy pin đạt 300 km với chuẩn kiểm tra NEDC. Ảnh: VinFast. |
Trong khi đó, chu trình WLTP được áp dụng từ năm 2017 bởi Liên minh châu Âu (EU) quy định thực hiện trên điều kiện vận hành thực tế để kiểm nghiệm các dòng ôtô mới. Phương tiện được thu thập thông số vận hành ở 4 dải vận tốc gồm thấp, trung bình, cao và rất cao, từ đó cho ra kết quả trung bình.
EPA chú trọng vào vận hành trên cao tốc
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) xây dựng quy trình kiểm tra ôtô tập trung vào thói quen lái xe trên cao tốc, tương ứng với đặc thù thường xuyên lái xe đường dài trên các xa lộ liên bang của người dân Mỹ.
Đối với ôtô điện, EPA áp dụng phương thức thử nghiệm với các chu kỳ sử dụng thực tế, tính từ lúc xe được sạc đầy pin đến khi chạy cạn năng lượng với nhiều điều kiện giao thông khác nhau, bao gồm đô thị, cao tốc (chiếm đa số) và vận hành ổn định.
Kết quả sau cùng được thống kê là trung bình quãng đường xe di chuyển được sau nhiều lần lặp lại chu kỳ này.
Chuẩn EPA kiểm tra phạm vi vận hành của ôtô điện trên điều kiện sử dụng thực tế mỗi khi pin được sạc đầy. Ảnh: VinFast. |
Bên cạnh đó, EPA còn đưa ra một thông số đánh giá hiệu suất sử dụng năng lượng của ôtô điện với tên gọi MPGe, mô phỏng từ đơn vị tính số dặm di chuyển với mỗi gallon nhiên liệu (dặm/gallon - MPG).
Các thông số chỉ mang tính tham khảo
Dù được xây dựng để đáp ứng tiêu chuẩn kiểm tra ôtô mang tính toàn cầu, chu trình NEDC hay WLTP thực tế vẫn được EU cũng như nhiều cơ quan quản lý ở các vùng lãnh thổ khác áp dụng riêng biệt. Tùy theo yêu cầu về đăng kiểm cũng như quy định giao thông sở tại mà các bài thử có thể được thay đổi cho phù hợp.
Trong khi đó, chuẩn kiểm nghiệm của EPA lại ưu tiên đo đạc theo đặc thù cơ sở hạ tầng giao thông tại Mỹ và có nhiều thời gian vận hành trên cao tốc, dẫn đến kết quả thường cao hơn chuẩn NEDC và WLTP với cùng một dòng xe điện.
Porsche Taycan bản tiêu chuẩn có phạm vị hoạt động khi thử nghiệm theo chuẩn WLTP là 308 km và 321 km với chuẩn EPA. Ảnh: Bối Hạ. |
Từ những lý do này, công ty nghiên cứu thị trường J.D. Power đưa ra lời khuyên cho người dùng ôtô điện có thể đối chiếu các thông số vận hành được công bố từ nhà sản xuất dành cho nhiều thị trường khác nhau để xem xét, cân nhắc chọn mua xe, nhất là với những dòng sản phẩm được bán ở phạm vi toàn cầu.
Bên cạnh đó, số liệu phạm vi vận hành lý thuyết của xe điện vốn dĩ chỉ mang tính tham khảo, tương tự mức tiêu thụ xăng được công bố trên những dòng ôtô truyền thống.
Khả năng đi xa hay gần của một phương tiện chạy điện phụ thuộc chính vào phong cách cầm lái, cách chạy của người điều khiển có tiết kiệm pin hay không. Ngoài ra, những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến phạm vi vận hành của xe điện còn có nhiệt độ môi trường, tải trọng, mức độ sử dụng điều hòa nhiều, độ chai pin...