Những diễn biến gần đây cho thấy nhiều hãng xe từng vạch sẵn kế hoạch điện hóa đang có những thay đổi để thích nghi.
Không ít nhà sản xuất ôtô trì hoãn thời điểm trở thành một hãng xe thuần điện, bổ sung xe hybrid vào lộ trình điện hóa dù từng bày tỏ sự hoài nghi dành cho công nghệ lai xăng-điện.
Nhiều hãng trì hoãn mục tiêu điện hóa
Trên thực tế, những gì diễn ra ở thị trường xe điện toàn cầu trong giai đoạn gần đây là tương đối khả quan.
Số liệu của EV Universe cho thấy trong giai đoạn 2020-2023, doanh số xe điện toàn cầu đã tăng trưởng liên tục với biên độ lớn. Nhìn xa hơn, lượng tiêu thụ ôtô thuần điện (BEV) trong năm 2010 là khoảng 7.200 xe thì đến năm 2023, doanh số BEV toàn cầu đã vượt mốc 10,3 triệu xe.
Trong 2 quý đầu năm, báo cáo cho biết đã có hơn 4,59 triệu xe điện đến tay khách hàng toàn cầu. So với cùng kỳ năm ngoái, sức mua BEV đã tăng trưởng xấp xỉ 12,4%.
Doanh số xe điện toàn cầu liên tục tăng trưởng | |||||||||||
Doanh số xe thuần điện thế giới trong giai đoạn 2015-2024 (Số liệu: IEA, EV Universe) | |||||||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | Nửa đầu năm 2024 | |
Doanh số xe thuần điện | xe | 330000 | 460000 | 760000 | 1400000 | 1500000 | 2000000 | 4600000 | 7660000 | 10312976 | 4590947 |
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xe điện lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2024, doanh số đạt trên 2,5 triệu xe, tăng trưởng 13,5%. Nhóm BEV cũng đóng góp đến 25% tổng doanh số ôtô du lịch bán ra tại Trung Quốc trong cùng kỳ.
Doanh số xe điện tại Mỹ tăng trưởng 7,4% để đạt gần 600.000 xe, còn lượng xe điện bán ra ở châu Âu (bao gồm Vương quốc Anh) trong 2 quý đầu năm là hơn 954.000 xe, tương đương tăng trưởng 1,6%.
Doanh số toàn cầu của xe thuần điện ngày càng tăng nhưng vì nhiều lý do khác nhau, các hãng lần lượt ra thông báo trì hoãn thời điểm hoàn thành mục tiêu thuần điện.
Volvo trì hoãn kế hoạch điện hóa. Ảnh: Volvo. |
Gần đây, Volvo cho biết thay vì trở thành một hãng xe thuần điện vào năm 2030, hãng này sẽ dời thời hạn hoàn thành sang năm 2040.
Lãnh đạo General Motors thừa nhận mục tiêu xuất xưởng 1 triệu ôtô điện vào cuối năm 2025 sẽ khó đạt được. Trước đó, General Motors từng công bố kế hoạch ngừng bán xe xăng vào năm 2035.
“Mục tiêu trở thành một hãng xe thuần điện vào năm 2035 phụ thuộc vào mức độ chấp nhận của khách hàng”, bà Mary Barra - CEO của General Motors - thừa nhận.
Ford cũng trì hoãn kế hoạch ngừng bán xe xăng cho khách hàng châu Âu. Nguyên nhân chính được cho là xuất phát từ mức sụt giảm 6% doanh số xe điện trong nửa đầu năm 2024.
Hãng xe Mỹ từng lên kế hoạch ra mắt một mẫu SUV điện 3 hàng ghế vào năm 2025, sau đó dời lịch sang năm 2027 và gần đây xác nhận đã hủy bỏ kế hoạch với mẫu xe này.
Ford cho biết sẽ không từ bỏ hoàn toàn dòng sản phẩm thuần điện trong tương lai, nhưng dự kiến cắt giảm 10% khoản đầu tư cho EV.
Ford hủy bỏ kế hoạch ra mắt SUV điện 3 hàng ghế. Ảnh: Ford. |
Audi cho biết không vội trở thành một hãng xe thuần điện, dù vẫn giữ kế hoạch điện hóa đến năm 2033. Mới đây, Bentley là hãng xe mới nhất tuyên bố trì hoãn kế hoạch điện hóa khi lãnh đạo cho rằng khách hàng ở phân khúc xe sang vẫn ưa chuộng ôtô động cơ đốt trong.
Bổ sung xe hybrid
Điểm chung của các hãng xe nói trên là đều chọn xe hybrid làm giải pháp chuyển tiếp trên tiến trình đạt được mục tiêu trở thành một hãng xe thuần điện.
“Công nghệ hybrid là giải pháp tốt và có thể phù hợp với nhiều khách hàng, đáp ứng nhu cầu của họ. Với nhiên liệu tổng hợp, chúng ta có thể giảm lượng CO2 trong chu trình và không thải thêm CO2 vào môi trường”, ông Frank-Steffen Walliser, CEO của Bentley, nhận định về công nghệ hybrid.
Siêu sedan Bentley Flying Spur 2025 sử dụng hệ truyền động Ultra Performance Hybrid. Ảnh: Bentley. |
Audi cho biết trên hành trình trở thành một hãng xe thuần điện vào năm 2033, hãng này sẽ tiếp tục trình làng các mẫu ôtô động cơ đốt trong, bên cạnh các xe plug-in hybrid (PHEV). Theo Autocar, xe hybrid của Audi có thể vận hành tối đa 100 km ở chế độ thuần điện.
Volvo nhắm đến mục tiêu 90-100% doanh số vào năm 2030 sẽ là các xe thuần điện và PHEV. Tỷ trọng còn lại của doanh số Volvo ở thời điểm này sẽ bao gồm một lượng hạn chế các mẫu xe hybrid nhẹ.
Theo CNBC, ông José Muñoz - Chủ tịch Hyundai toàn cầu - cho biết tập đoàn đang cân nhắc liệu có nên sản xuất thêm các mẫu xe hybrid hoặc PHEV tại nhà máy trị giá 7,59 tỷ USD đang được xây dựng ở tiểu bang Georgia (Mỹ), bên cạnh những mẫu ôtô thuần điện.
Hyundai cân nhắc sản xuất thêm xe hybrid tại nhà máy ôtô điện ở Mỹ. Ảnh: Hyundai. |
Ford cho biết thay vì một mẫu SUV thuần điện 3 hàng ghế, hãng chuyển sang sử dụng hệ truyền động hybrid.
Lãnh đạo General Motors cho biết công nghệ PHEV sẽ xuất hiện ở một số phân khúc cụ thể nhằm hướng đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn phát thải trên ôtô vào năm 2035.
Theo Motor1, General Motors đã tiết lộ rằng công nghệ PHEV sẽ được tập đoàn này áp dụng trên một số mẫu xe tại thị trường Bắc Mỹ. Tương tự, Ford xác nhận đến cuối năm 2030 dự kiến cung cấp hệ truyền động hybrid cho toàn bộ ôtô của mình tại thị trường Bắc Mỹ.
“Bước đệm” điện hóa
So với ôtô thuần điện, xe hybrid là một mẫu xe xanh “thân thiện” hơn với nhóm người dùng đã quen với việc sử dụng ôtô động cơ đốt trong.
Các xe PHEV cũng được xem như một lựa chọn lý tưởng dành cho khách hàng có nhu cầu sử dụng xe ít phát thải nhưng chưa sẵn sàng thay đổi hoàn toàn thói quen điều khiển xe xăng.
Nhóm xe này có thể vận hành như một mẫu xe xăng bình thường và việc cắm sạc thường xuyên được cho là không thật sự cần thiết.
Các dòng xe PHEV là bước chuyển tiếp lý tưởng từ xe xăng sang ôtô thuần điện. Ảnh: Kia. |
Chuyên trang Car News China dẫn số liệu báo cáo cho thấy chỉ riêng trong tháng 7 tại Trung Quốc, BYD, Volkswagen, Toyota và các hãng xe khác đã bán được 396.000 xe hybrid cho khách hàng nước này.
Lượng tiêu thụ nói trên tương đương 45% tổng doanh số ôtô năng lượng mới tại quốc gia tỷ dân, tăng trưởng so với mức 34% từng ghi nhận ở cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những lý do khiến PHEV trở thành lựa chọn của nhiều hãng xe để làm “bước đệm” điện hóa nằm ở ưu điểm về phạm vi hoạt động tối đa.
Mẫu Fulwin T10 của tập đoàn Chery gần đây được tuyên bố đã lập kỷ lục thế giới Guinness về quãng đường di chuyển dài nhất mà một chiếc PHEV có thể hoạt động. Mẫu SUV lai xăng điện đã hoàn thành quãng đường 2.169,641 km mà không cần đổ thêm xăng hay sạc pin.
BYD cũng giới thiệu 2 mẫu PHEV gồm Qin L và Seal 06, có thể đạt tổng phạm vi hoạt động tối đa 2.100 km khi xăng đầy và pin đủ.
Nhìn chung, với các nhà sản xuất ôtô chưa sẵn sàng cho mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn thành một hãng xe thuần điện, xe hybrid dường như là một giải pháp hợp lý nhờ vị trí ngay giữa xe điện và xe xăng.
Điện hóa dường như vẫn là mục tiêu tối thượng của hầu hết hãng xe, và hybrid sẽ đóng vai trò “bước đệm” để đạt được.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.