Thời tiết lạnh khiến nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng cao. Ảnh: Thành Đông. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), mỗi năm, cơ sở y tế này tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong đó, khoảng 30% người bệnh COPD ở giai đoạn nặng phải điều trị bằng thở máy không xâm nhập.
Đáng nói, trong những ngày thời tiết lạnh như ở miền Bắc hiện nay, số người bệnh đến khám và phải nhập viện điều trị bệnh lý lại tăng mạnh. Đây là thời điểm người bệnh rất dễ nhiễm các loại virus và vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên cũng như dưới, làm tăng tình trạng co thắt phế quản, dịch nhầy trong đường hô hấp. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị khó thở nặng hơn.
Diễn biến bệnh khó lường
Bác sĩ Nguyễn Thị Quyên, khoa Hô hấp, cho biết: “COPD là một bệnh lý hô hấp khiến cho người bệnh khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Bệnh thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các phân tử hoặc khí độc hại mà trong đó, khói thuốc đứng vai trò hàng đầu”.
Theo vị chuyên gia, nếu không được khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy cũng tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.Q. (87 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) có tiền sử co thắt phế quản, bệnh lý tim mạch, phải nhập viện điều trị với tình trạng khó thở.
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhập viện tăng vào mùa đông tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: BVCC. |
Kết quả chụp X-quang, CT scanner ngực cho thấy hình ảnh xơ, dày màng phổi hai bên, vôi hóa màng phổi phải, xét nghiệm có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn.
Xác định tình trạng suy hô hấp cấp do COPD, các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân bằng kháng sinh, giãn phế quản, thở máy không xâm nhập. Sau 14 ngày điều trị, may mắn, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Trên thực tế, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân qua từng giai đoạn của bệnh.
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân thường có ho, khạc đờm, khò khè, tức ngực kéo dài. Sau đó, người bệnh xuất hiện khó thở, khó thở khi gắng sức, thay đổi thời tiết, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.
Sang giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân sẽ xuất hiện khó thở khi gắng sức nhẹ, làm việc nhẹ và tần suất bị nhiễm trùng hô hấp cũng tăng lên.
Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 40 trở lên, người có tiền sử hút thuốc lá hoặc nghề nghiệp tiếp xúc khói bụi, ô nhiễm.
Qua thực tế khám và điều trị, BS Quyên cho hay không ít trường hợp mắc COPD nhập viện ở giai đoạn nặng. Khi đó, người bệnh đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn đường thở kéo dài, lượng khí hít vào trong phế nang không được đẩy ra hết.
“Lượng khí tích tụ này ngày càng tăng làm phế nang căng giãn, mỏng dần và dễ vỡ, gây tràn khí màng phổi nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ giải thích.
Điển hình cho tình huống này là bệnh nhân N.V.D. (82 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) nhập viện do tràn khí màng phổi trái có suy hô hấp trên nền bệnh nhân COPD.
Các bác sĩ sau đó đã phải mở màng phổi tối thiểu, kết hợp kháng sinh, giãn phế quản, thở oxy điều trị cho bệnh nhân.
Mặt khác, BS Quyên cho hay những bệnh nhân mắc COPD còn phải đối mặt với các biến chứng làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như bệnh lý tâm phế mạn (suy tim, loạn nhịp tim (đặc biệt là rung nhĩ)…).
Chủ động phòng là giải pháp tốt nhất
Theo BS Quyên, hiện nay, COPD không thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ các bác sĩ, bệnh nhân có thể kiểm soát bệnh, từ đó làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
Dẫu vậy, việc chủ động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vẫn là lựa chọn tối ưu nhất. Bác sĩ Nguyễn Thị Quyên khẳng định COPD là bệnh thường gặp và có thể dự phòng được.
Khói thuốc cũng là một trong những tác nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh minh họa: NBCNews. |
Một số phương pháp phòng bệnh được vị chuyên gia này gợi ý gồm:
- Không hút thuốc lá, tránh khói bụi, môi trường ô nhiễm;
- Giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh;
- Rèn luyện sức khỏe, tập các bài thể dục phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp;
- Tiêm phòng cúm và phế cầu, ngăn ngừa đợt cấp;
- Đi khám sức khỏe định kỳ, trường hợp có dấu hiệu của bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, người bệnh COPD cần thăm khám định kỳ, sử dụng thuốc điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nhóm này cũng nên duy trì luyện tập thể dục ở mức độ trung bình, 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Với bệnh nhân nặng, mọi người có thể giảm thời gian luyện tập hoặc thở hoành, thở chúm môi, ho có kiểm soát.
“Ngoài việc luyện tập, người bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm, dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh”, BS Quyên lưu ý thêm.
Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng, bệnh nhân cũng cần lập tức đến cơ y tế khám và điều trị.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.