Giới trẻ chuyển hướng thức uống sang trà, đặc biệt là matcha, phản ánh ý thức ngày càng cao về sức khỏe. Ảnh minh họa: @chisvisualdiary. |
Phương Chi (25 tuổi, TP.HCM) chi gần chục triệu cho đam mê pha matcha tại nhà. Cô sở hữu một chiếc chasen, được làm thủ công từ xưởng Suikaen (Nhật Bản), nơi có truyền thống 25 thế hệ làm nghề và một chiếc bát chawan đạt tiêu chuẩn làm bằng gốm.
Trong đó, chiếc chasen, được làm từ 1 đốt tre bản địa từ làng Nara và mất đến 2 năm để hoàn thiện, có giá từ 1,5 triệu đồng. Tín đồ matcha ưu tiên sử dụng các loại trà phân khúc cao như Okumidori, Saemidori hay Asahi và Gokou, có giá thành trên 2 triệu đồng/kg.
Không riêng Phương Chi, xu hướng pha matcha tại nhà đang được nhiều người trẻ say mê. Theo Tri thức - Znews ghi nhận, trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram, Threads, những video chia sẻ công thức và hướng dẫn pha matcha tại nhà thu hút hàng trăm bình luận và nghìn lượt thích.
Trên thế giới, Trung Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ và Mỹ là những quốc gia tiêu thụ matcha Nhật Bản hàng đầu. Tại thị trường Mỹ, từ năm 2019, lượng matcha nhập khẩu phần lớn từ Nhật Bản tăng gấp 10 lần so với năm trước.
Gen Z và thế hệ Millennials, những người tiêu dùng quan tâm đến làn da, thường xuyên gặp vấn đề về mụn trứng cá, cũng là tệp khách hàng chiếm số đông tiêu thụ loại trà này, theo Fact.mr.
Phương Chi cho rằng matcha không chỉ là một thức uống đơn thuần mà còn là một nét đẹp văn hóa độc đáo. Ảnh: NVCC. |
Thức uống nghệ thuật
Matcha, trà xanh dạng bột mịn được làm từ lá trà xanh nguyên chất, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào thế kỷ 12, các nhà sư Phật giáo Trung Quốc đã mang theo hạt giống trà xanh đến Nhật Bản và trồng nhiều vụ ở thành phố Kyoto.
Loại trà này được các nhà sư Nhật Bản đánh giá cao, trải qua nhiều năm, matcha phát triển thành một nét đặc sắc trong văn hóa trà đạo, biểu tượng của sự thanh tịnh và tỉnh thức, theo SMCP.
Phương Chi từng yêu thích cà phê hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng cà phê thường xuyên khiến cô gặp phải tình trạng mệt mỏi do say caffein và tăng cân.
Năm ngoái, khi tìm kiếm một thức uống thay thế, cô khám phá matcha và nhanh chóng bị chinh phục. Nhân viên văn phòng 25 tuổi đã đến rất nhiều quán xá để thử món nước này, sẵn sàng chi gần 200.000 đồng cho một ly Usucha (matcha cấp độ nghi lễ) chất lượng cao.
Nhưng cô vẫn ưu tiên chọn pha matcha tại nhà và đầu tư dụng cụ pha chế vì “đây không chỉ đơn thuần là một thức uống mà còn là một nghệ thuật pha chế đầy tinh tế”.
“Mong muốn của tôi khi thưởng thức matcha là sự hài hòa về các tầng hương vị và trải nghiệm trọn vẹn về khứu giác và vị giác từ lúc rây bột, whisk matcha (kỹ thuật khuấy bột matcha) cho đến lúc uống ngụm đầu tiên”, Gen Z chia sẻ.
Một góc bộ pha chế của Phương Chi. Ảnh: @chisvisualdiary. |
Giống với Phương Chi, Thạch Tú (22 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM) cũng ưa chuộng matcha Ceremonial Grade, loại matcha cao cấp dành cho nghi thức trà đạo. Riêng bộ dụng cụ pha chế cơ bản của Tú đã tốn khoảng 7.000 yen (khoảng 1,2 triệu đồng), anh mua từ Nhật Bản và nhờ người quen xách tay mang về.
Niềm đam mê tự pha chế của Tú bắt đầu cách đây 1 năm khi người bạn du học sinh Nhật tặng anh một số loại matcha làm quà.
Chàng trai thường dùng loại matcha Maruyama, có giá từ 3 triệu đồng/kg, và học pha chế matcha qua các video hướng dẫn trên Youtube và Instagram.
Anh thường xuyên pha matcha vào mỗi buổi sáng để bắt đầu ngày mới. Anh cho biết matcha giúp anh tỉnh táo và tập trung hơn khi làm việc, đồng thời cũng giúp cải thiện tình trạng da mụn.
“Thay vì mất thời gian ‘lên đồ' và chạy ra quán, tôi chỉ mất tầm 10 phút trong bếp, pha matcha và sữa hạt, là đã có ngay ly matcha latte thơm ngon”, Tú chia sẻ.
Sự kết hợp giữa hương vị thơm ngon và lợi ích sức khỏe khiến matcha trở thành thức uống được giới trẻ yêu thích. Ảnh minh họa: Kaiwa Matcha Bar. |
Trào lưu sức khỏe
Anh Thơ (29 tuổi, Hồ Tây, Hà Nội), chủ cửa hàng chuyên bán các sản phẩm bột trà Nhật Bản từ 2022, cho biết nhu cầu mua matcha của giới trẻ tăng mạnh khoảng cuối năm ngoái.
Doanh số cửa hàng trong tháng gần nhất tăng gấp đôi so với tháng trước và gấp 5 lần so với các tháng cuối năm 2023.
"Nhiều bạn trẻ chuyển sang chọn uống matcha hàng ngày thay cho cà phê do sức khỏe. Đây là xu hướng tất yếu tương tự thị trường các nước châu Á phát triển khác, nơi matcha đóng vai trò quan trọng không kém cạnh cà phê, được nhiều người thưởng thức hàng ngày", chủ shop chia sẻ.
Sản phẩm matcha bán chạy nhất là Hisui Matcha, matcha cao cấp thường được sử dụng trong các nghi lễ trà truyền thống đến từ Nhật Bản. Loại matcha này sở hữu hương vị umami ngậy, béo nhẹ, ít chát, không đắng và không tanh.
"Dù giá thành cao hơn, matcha Nhật Bản được ưa chuộng hơn matcha nguồn gốc từ quốc gia khác, bởi chất lượng tốt hơn cùng kỹ thuật sản xuất cầu kỳ cho ra hương vị thơm ngon, hàm lượng dưỡng chất cao, đặc biệt là giá trị văn hóa trà đạo lâu đời", Anh Thơ nói.
Bên cạnh bột matcha, nhiều khách hàng cũng mua thêm dụng cụ pha matcha như chổi chasen, bát khuấy chawan, muỗng múc bột trà chashuku và gác chổi chasen. Những dụng cụ này giúp pha matcha "đúng chuẩn".
Hơn cả một thức uống, matcha trở thành một biểu tượng cho lối sống thanh tao, tinh tế và hướng đến sự kết nối với bản thân. Ảnh minh họa: Anna Pou/Pexels. |
Theo chia sẻ của Anh Thư (32 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), thị trường matcha đang sôi động trở lại nhờ những khách hàng trẻ tuổi. Xu hướng mua matcha trực tuyến ngày càng phổ biến và các sàn TMĐT hiện là những kênh bán hàng chủ lực.
Chủ shop bán bột matcha online cho biết thêm mạng xã hội giúp tiếp cận khách trẻ hiệu quả. Những người trẻ, đặc biệt là Gen Z, đua nhau chia sẻ kinh nghiệm pha chế cũng như kiến thức về matcha trên mạng xã hội. Đây là cơ hội để các shop bán matcha tham gia xu hướng và quảng bá sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng trẻ.
Cô cho biết nhiều khách hàng ở độ tuổi 20 không ngần ngại chi đến 2 triệu đồng cho 500 g matcha Nhật Bản cao cấp.
"Giới trẻ ngày nay rất quan tâm đến chất lượng và xuất xứ của sản phẩm matcha. Họ hiểu rằng 'tiền nào của nấy', và sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho những sản phẩm matcha nguyên chất, có nguồn gốc rõ ràng", chủ shop chia sẻ.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.