Andie Duke bắt đầu sử dụng mạng xã hội này vào đầu đại dịch, khi cô mới chuyển sang học trực tuyến tại nhà ở bang South Carolina.
Cô cho biết thức ăn bỗng trở thành “kẻ thù” của mình sau khi cô dành tới 5 tiếng/ngày để xem và làm theo các video hướng dẫn giảm cân - đếm calo nạp vào, tập thể dục quá mức và kiềm chế cơn đói, đồng thời che giấu những gì đang làm với cha mẹ.
“Tôi càng tương tác với những dạng video đó, chúng càng xuất hiện nhiều hơn. Tôi không mường tượng được chúng ảnh hưởng đến mình thế nào”, Andie (14 tuổi), nằm trong số một tỷ người dùng của ứng dụng, chia sẻ với Wall Street Journal.
Sau vài tháng tham gia TikTok, Andie giảm 20% trọng lượng cơ thể và bị rụng tóc. Cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống và bắt đầu điều trị dài hạn tại nhiều cơ sở y tế khác nhau.
Andie Duke dành nhiều giờ đồng hồ trong ngày để xem các video hướng dẫn giảm cân phản khoa học. Ảnh: Nitashia Johnson. |
Chứng rối loạn ăn uống ở thanh niên đang gia tăng trên khắp nước Mỹ sau đại dịch Covid-19.
Bảng tin TikTok của người dùng thanh thiếu niên ngập tràn những video về cách giảm cân cấp tốc và móc họng nôn sau ăn, góp phần tạo nên làn sóng rối loạn ăn uống đang lan rộng khắp nước Mỹ.
Các chuyên gia y tế cho biết chứng bệnh này thường đi kèm với một số vấn đề khác, như trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế, đồng thời sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi người trẻ dành nhiều thời gian hơn với màn hình.
Nội dung độc hại
Kể từ tháng 9, Andie trở thành bệnh nhân tại trung tâm điều trị ở khu vực Dallas (bang Texas) và được truyền thức ăn qua ống thông mũi - dạ dày cho tới nay.
Amanda Moreno Duke, mẹ của Andie, một giáo viên công nghệ, cho biết con gái mình trở nên nghiện TikTok sau khi bà trở lại giảng dạy trực tuyến vào tháng 9/2020.
Andie (phải) được đặt ống thông mũi - dạ dày để truyền thức ăn hồi tháng 9. Ảnh: Amanda Moreno Duke. |
Thấy con gái sụt cân, bà Moreno liền đưa Andie tới gặp bác sĩ. Bà cho biết chu kỳ kinh nguyệt của cô bé cũng bị gián đoạn - một triệu chứng phổ biến đối với những người mắc chứng rối loạn ăn uống.
“Thậm chí, con gái tôi khóc vì không thể gầy trơ xương như các video nó thấy trên mạng”, bà kể lại.
Một cuộc điều tra của Wall Street Journal phát hiện rằng thuật toán của ứng dụng này phân phát vô số video hướng dẫn giảm cân sai lệch.
Trong cuộc điều tra, chỉ riêng các tài khoản ảo của Wall Street Journal đã nhận được 32.000 video giảm cân từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 12.
Nhiều trong số đó ủng hộ nhịn ăn, chia sẻ phương pháp giảm mỡ bụng cấp tốc và thúc đẩy các chương trình detox, cuộc thi giảm cân khắc nghiệt. Chúng cũng bao hàm nội dung ủng hộ hoặc khiến chứng rối loạn ăn uống trở nên rất đỗi “bình thường”.
Trong đó, một số lời khuyên bao gồm hấp thụ ít hơn 300 calo/ngày, chỉ nên uống nước tùy lúc hoặc dùng thuốc xổ sau khi ăn quá nhiều. Những video khác lại cho thấy các cô gái hốc hác, gầy guộc theo đuổi chế độ ăn kiêng "cô dâu ma".
Khó có thể rời mắt
Một số thanh thiếu niên cho biết đôi khi họ không kiểm soát được bản thân khi sử dụng TikTok. Ứng dụng đẩy họ vào vòng lặp nội dung, khiến họ không thể ngừng xem ngay cả khi biết điều đó có hại cho mình.
Nói với Wall Street Journal, những người trẻ cũng nói rằng video của người lạ liên tục xuất hiện trên bảng tin của họ - khác với những mạng xã hội khác tập trung nhiều hơn vào nội dung từ bạn bè, gia đình.
Bởi lướt xem video không tốn sức, cùng với luồng cập nhật nội dung liên tục càng khiến chứng bệnh của họ trở nên tồi tệ hơn.
“Thật khó để rời mắt khỏi nền tảng này. Tôi dành hàng giờ chỉ đến xem nó”, Mariam Fawzi (17 tuổi) nói.
Mariam Fawzi (trái) cùng mẹ là Neveen Radwan. Ảnh: Neveen Radwan. |
Mariam cho biết cô tìm hiểu về phương pháp giảm cân và ngụy trang nó trước gia đình từ TikTok, chẳng hạn mặc quần áo rộng và giấu bớt thức ăn. Cô cũng tập luyện khắc nghiệt, bao gồm tham gia thử thách chạy gần 40 km/ngày.
Neveen Radwan, mẹ của Mariam, cho biết con gái bà mới trở lại sau đợt điều trị rối loạn ăn uống kéo dài gần 6 tháng và vẫn đang phục hồi.
Tương tự, khi những đợt phong tỏa khiến Daisy Gonzalez, khi ấy là học sinh cuối cấp, rơi vào trầm cảm, cô tìm đến TikTok để vượt qua quãng thời gian không có bạn bè ở bên.
Sau khi bấm thích một vài video về thời trang và hướng dẫn trang điểm, cô nhận được một chuỗi video về các cô gái gầy gò khoe thân. Họ đã thay đổi Gonzalez, khiến cô tập thói quen ăn uống không lành mạnh.
“Bỗng một ngày, tôi chợt suy nghĩ rằng ‘Nhất định mình phải được giống như họ’”, Gonzalez, hiện là sinh viên năm thứ hai tại Murfreesboro (bang Tennessee), kể lại.
Bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn kiêng khắc nghiệt được chia sẻ trên TikTok, cô bắt đầu hạn chế ăn uống, chủ yếu ăn rau sống. Tóc cô bắt đầu rụng vì thiếu protein. Cô giảm gần 45 kg trong vòng một năm và phải cắt bỏ túi mật do bị sỏi mật.
Hiểm nguy từ chứng bệnh
Bất chấp sự can thiệp của nền tảng, nhiều video với nội dung độc hại này vẫn tồn tại. Các nhà sáng tạo nội dung sử dụng teencode để tránh sự truy quét của mạng xã hội.
Ngoài ra, một số hashtag tưởng chừng như vô hại, như #recovery (phục hồi), đôi khi lại hướng người xem đến các video lý tưởng hóa việc gầy gò tới mức nguy hiểm tính mạng, theo Wall Street Journal.
Kể từ sau những gì xảy ra với con gái, Moreno Duke, mẹ của Andie, cho biết bà đã báo cáo hàng trăm video trên TikTok mà bà tin rằng thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống, bao gồm một cô gái gầy gò tự nhận mình thừa cân và một người khác hát về việc nhịn đói.
Tuy nhiên, nền tảng này đã phản hồi “không vi phạm” với nhiều video mà bà Duke báo cáo. Chỉ một số ít được gỡ bỏ.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế cho biết chứng rối loạn ăn uống rất phức tạp, khó điều trị và có khả năng gây tử vong.
Nhiều cơ sở điều trị có danh sách chờ nhập viện của những người trẻ. Một số bác sĩ và nhà trị liệu quá tải đến mức họ không thể tiếp nhận bệnh nhân mới.
Daisy Gonzalez giảm cân khắc nghiệt vì muốn trở nên gầy như những nhà sáng tạo nội dung trên TikTok. Ảnh: Laura Thompson. |
Trung tâm Timberline Knolls cho biết trẻ vị thành niên mắc chứng rối loạn ăn uống đã tăng hơn gấp đôi, lên khoảng 650 người, kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Bệnh viện Mott Children’s Hospital của Đại học Michigan C.S. (thành phố Ann Arbor, bang Michigan) đã tiếp nhận 125 ca nhập viện từ 10-23 tuổi vì rối loạn ăn uống trong 12 tháng đầu tiên của đại dịch. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức trung bình trong 3 năm trước đó.
Trung tâm Phục hồi chức năng Ăn uống, nơi đang điều trị cho Andie, phải bổ sung thêm 88 giường bệnh nội trú trong năm qua cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, Hiệp hội Quốc gia về chứng biếng ăn Nervosa và các rối loạn liên quan Mỹ (ANAD) cho biết các cuộc gọi đến đường dây trợ giúp của họ tăng 50%, chủ yếu là người trẻ hoặc cha mẹ thay mặt họ.
Bác sĩ Nicholas Kardaras, người điều hành Omega Recovery, trung tâm điều trị chứng nghiện mạng xã hội và các chứng rối loạn liên quan khác có trụ sở tại Austin (bang Texas), cho biết có một số dấu hiệu xác định xem đối tượng gặp vấn đề với mạng xã hội hay không.
Những dấu hiệu đó bao gồm thay đổi quan niệm về ngoại hình, dành quá nhiều thời gian trên các trang web mà cản trở hoạt động hàng ngày, học hành sa sút và không tham gia hoạt động xã hội.
Stephanie Zerwas, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học North Carolina, cho biết những bệnh nhân trẻ tuổi của bà mô tả quá trình phát triển chứng rối loạn ăn uống tương tự các cô gái trên.
“Tôi không thể đếm được bao nhiêu người trẻ đến phòng khám của tôi và kể rằng họ rơi vào vòng lặp luẩn quẩn, hoặc nghiện nội dung giảm cân, hoặc bị tác động của influencer trên TikTok. Từ đó, họ cảm thấy các hành vi rối loạn ăn uống là chuyện bình thường vì ai cũng làm vậy”, phó giáo sư nói.