Triển lãm Biến Tượng của hoạ sĩ Vũ Hiệp dẫn dắt người xem vào ma trận những hình thù siêu thực, kỳ ảo. Theo chia sẻ của nghệ sĩ, “Biến Tượng” là sự biến đổi của các biểu tượng. Những hình tượng được hình thành trong các cộng đồng, xuất hiện ở nhiều nền văn hoá, nhưng không cố định theo thời gian. Vai trò của người nghệ sĩ là giúp những biểu tượng xa xưa có sức sống mới. |
33 bức hoạ được trưng bày trong không gian triển lãm phản ánh chặng đường 8 năm theo đuổi tranh lụa của Vũ Hiệp. 3 chủ thể chính trong các tác phẩm thuộc triển lãm là con giống, người phụ nữ và trái cây. Với xuất thân là nhà nghiên cứu tri thức dân gian, nghệ sĩ thấm nhuần trầm tích văn hoá, ứng dụng thành tạo chất liệu này vào hội hoạ. |
Lấy ý tưởng từ hai câu thơ của sử gia Lê Ngô Cát tả về nữ tướng Bà Triệu: “Vú dài ba thước dắt lưng/Cưỡi voi đánh trống trong rừng kéo ra”, Vũ Hiệp xây dựng hình tượng người phụ nữ với khuôn ngực dài mang tính siêu thực. Ngoài ra, biểu tượng mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng cũng là một nguồn cảm hứng, giúp hoạ sĩ hoàn thiện những bức tranh vẽ nữ giới có nhiều bầu ngực. |
Bộ 3 bức Cung Oán Ngâm lấy ý tưởng từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Gia Thiều, thể hiện nỗi buồn thê lương của những người phụ nữ trong cung cấm. Khuôn ngực dài, trĩu nặng mô phỏng năm tháng đợi chờ đằng đẵng của nữ nhi trong hoàng cung thời xưa. |
Theo nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt, các tác phẩm của Vũ Hiệp thuộc trường phái dân gian đương đại. Một số khác nhận định những bức tranh lụa trong triển lãm Biến Tượng mang màu sắc siêu thực. |
Bên cạnh chủ thể người phụ nữ, tính phồn thực xuyên suốt của triển lãm cũng được thể hiện ở hình ảnh trái cây. Những bức tranh khắc họa trái dứa, trái me, thanh long đều phản ánh tính dục, sự sinh sôi, nảy nở ở vạn vật. Hoạ sĩ Vũ Hiệp ứng dụng quy tắc hình học topo trong quá trình tạo hình hoa quả, đem đến góc nhìn mới mẻ cho khán giả thưởng lãm. |
Hình tượng con giống xuất hiện trong tranh Vũ Hiệp đều mang ẩn ý sâu xa, bắt nguồn từ thành ngữ, tục ngữ dân gian. Ví dụ, tác phẩm Tuất khắc hoạ hình ảnh chú chó với phần lưỡi dài không tưởng, lấy ý tưởng từ câu nói quen thuộc: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Bức tranh Tý lại mô phỏng loài chuột với chùm đuôi khổng lồ, là lời hồi đáp cho câu tục ngữ: “Đuôi chuột ngoáy lọ mỡ”. Hoạ sĩ Vũ Hiệp nhận định rằng đây là phương pháp mô tả dục tính một cách khéo léo, tinh tế. |
Ở chính giữa không gian triển lãm, bức họa Vũ Điệu Mùa Dịch tiếp tục sử dụng hình tượng người phụ nữ với khuôn ngực dài đặc trưng của Vũ Hiệp. Các nhân vật trong bức tranh khoác tay nhau, cùng thực hiện điệu nhảy ballet. Những cái nắm tay là cách thức lây truyền dịch bệnh, song cũng đồng thời mô tả sự đoàn kết giúp một dân tộc chiến thắng đại dịch. |
Triển lãm Biến Tượng của hoạ sĩ Vũ Hiệp diễn ra từ ngày 6-20/12 tại The Muse Artspace (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.