Nghiên cứu mới cho thấy giờ làm việc của nhân viên văn phòng đang có sự thay đổi đáng kể so với trước đại dịch. Ảnh minh họa: SCMP. |
Theo nghiên cứu của Bevi, công ty cung cấp máy nước cho 25% các tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500, nhân viên văn phòng ngày nay có xu hướng làm việc ít ngày hơn nhưng lại nhiều giờ hơn. Mô hình "9-to-5" (ca làm việc 9-17h) đang chuyển sang "7-to-7" (ca làm việc 7-19h).
Cụ thể, số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng so với năm 2019, số nhân viên bắt đầu làm việc từ 7h sáng tăng 25%, trước đó giờ làm việc phổ biến là 9-10h. Thậm chí, có hơn 2% nhân viên hiện nay có mặt tại văn phòng lúc 5-7h, trong khi con số này trước đại dịch chỉ 0,6%.
Giờ tan ca cũng có xu hướng kéo dài hơn. Dữ liệu cho thấy sự sụt giảm nhẹ về lượng nhân viên có mặt ở văn phòng vào buổi chiều, tuy nhiên, con số này lại tăng vọt sau 19h. Điều đáng nói là lượng nhân viên làm việc đến tận 23h tăng gấp 3 lần so với trước đây, từ 0,2% lên 0,6%, theo Fortune.
Dù thời gian có mặt tại văn phòng giảm nhưng nhiều người đang rơi vào tình trạng làm việc 12 tiếng" với giờ vô làm sớm hơn và tan làm muộn hơn. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Bên cạnh những thay đổi về giờ làm việc, nghiên cứu của Bevi còn chỉ ra sự điều chỉnh về cách thức nhân viên tận dụng những ngày có mặt ở văn phòng.
Báo cáo cho thấy mật độ nhân viên đến văn phòng cao nhất vào thứ Ba và thứ Tư (68%), tiếp theo là thứ Năm (66%). Điều này cho thấy sự tập trung lịch làm việc vào giữa tuần, trái ngược với sự phân bổ đều đặn hơn trên cả 5 ngày trước đại dịch.
Theo doanh nhân người Anh Debbie Wosskow OBE, đồng sáng lập AllBright, trong mô hình làm việc kết hợp từ xa và lên văn phòng (hybrid), nhân viên cần chủ động hơn trong việc tận dụng quãng thời gian ở văn phòng.
"Làm thế nào để khiến 2 ngày có mặt có giá trị? Làm thế nào đảm bảo bạn được lãnh đạo chú ý?", Wosskow đặt câu hỏi. Bà nhận định có được sự ghi nhận từ cấp trên là chính là lý do khiến nhân viên đang kéo dài thời gian làm việc.
Nhân viên đang tận dụng tối đa những ngày có mặt ở văn phòng vì họ ít lên công ty hơn so với trước đại dịch. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Trước đây, hình thức làm việc linh hoạt từ xa hoặc hybrid nở rộ trong thời kỳ đại dịch đã hỗ trợ phụ nữ có gia đình đáng kể trong việc cân bằng sự nghiệp và chăm sóc con cái.
"Đại dịch đã chứng minh nhiều lợi ích của tính linh hoạt, đặc biệt là việc nhân viên vẫn có thể hoàn thành công việc hiệu quả ngay cả khi thoát khỏi khuôn khổ '9-to-5'", Alicia Iveson, CEO của Hijinks Collective, agency quảng cáo danh tiếng, chia sẻ.
Hình thức làm việc 4 ngày/tuần từ bất cứ đâu đã mang lại tia hy vọng cho những người mong muốn có sự thay đổi lâu dài về cách thức làm việc.
Tuy nhiên, nếu “bình thường mới” là cặm cụi ở văn phòng từ 7h đến 19h, điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến sự nghiệp của các bà mẹ.
Theo nghiên cứu của Fawcett trên 3.000 phụ nữ có con nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo, hơn 1/3 bà mẹ có khả năng thăng tiến bị mắc kẹt trong công việc hiện tại vì tính linh hoạt mà nó mang lại. Trong khi đó, hơn 40% bà mẹ tham gia khảo sát đã phải từ chối thăng chức vì lo ngại ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái.
Văn hóa làm việc "7-to-7 gia tăng đang tác động tiêu cực đến sự nghiệp của phụ nữ có con. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.