“Cũng may không rạn xương, tý bố đưa cho lọ mật gấu bóp vào nhé. Dùng xong nhanh khỏi lắm”, ông C.M.C. (60 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) dặn dò con gái sau sự cố bất ngờ 2 ngày trước đó.
C.G.K. (nữ, 24 tuổi) không may bị một chiếc taxi cán qua bàn chân khi đang chuẩn bị trở về nhà. Bàn chân K. sưng phồng cùng cảm giác đau nhức, không thể bước đi như bình thường.
May mắn, kết quả chụp X-quang cho thấy K. không bị rạn nứt hay gãy xương bàn chân. Dẫu vậy, tổn thương phần mềm nghiêm trọng khiến K. buộc phải tạm dừng việc di chuyển trong 2 tuần kế tiếp.
Lọ mật gấu K. được bố cho để sử dụng. Ảnh: NVCC. |
Cầm trên tay lọ mật gấu của bố, K. nhanh chóng thoa lên mu bàn chân trong sự thất vọng. Dù nghe lời bố, K. cũng không tin việc làm này có thể giúp bản thân sớm được đi lại.
Trong quá khứ, K. cho biết từng nhiều lần phải dùng tới mật gấu. Gia đình K. cũng luôn có sẵn sản phẩm này trong nhà để sử dụng khi cần.
Mật gấu không “thần thánh”
Trả lời Zing, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, phòng Khoa học Y học Thể thao, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (Hà Nội), thừa nhận từ xưa, mật gấu vẫn được nhiều người Việt sử dụng theo kinh nghiệm từ dân gian.
“Mật gấu được sử dụng khá phổ biến trong cộng đồng khi có tính hàn và khả năng hoạt huyết cao. Nhờ vậy, sản phẩm này có thể giúp giảm đau, chống viêm, tiêu viêm, giảm sưng khá tốt”, vị chuyên gia nói.
Cụ thể, nhờ tính hoạt huyết mạnh, mật gấu có thể khiến các mạch máu được giãn nở, từ đó giúp việc lưu thông máu nhanh hơn.
Dù có hiệu quả giảm bầm tím, tiêu viêm, mật gấu không quá thần thánh như nhiều người suy nghĩ. Ảnh minh họa: diana_polekhina. |
Trong một số trường hợp chấn thương, các sợi cơ bị đứt rách, mạch máu vỡ ra nhưng đã ngừng chảy máu, gây ra tình trạng đình trệ máu và dịch viêm tại một điểm, dẫn đến sưng, bầm tím. Lúc này, việc xoa mật gấu vào khu vực tím sẽ giúp hoạt huyết nhanh hơn, tan máu bầm.
Dù vậy, bác sĩ Thủy khẳng định: “Mật gấu không thần thánh như nhiều người người vẫn nghĩ. Nguyên nhân là hiện nay y học có nhiều phương pháp khác đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn có thể đáp ứng rất tốt những vấn đề này”.
Ngoài ra, ông chia sẻ quan điểm cá nhân cũng không đồng ý với việc sử dụng mật gấu để điều trị bầm tím. Lý do chính đến từ vấn nạn săn bắt, nuôi gấu để lấy mật trái phép. Việc làm này gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường và thiên nhiên hoang dã trong khi lợi ích quá nhỏ.
“Với những trường hợp chấn thương nặng, bệnh nhân bị tổn thương dây chằng, sụn, xương khớp thì việc sử dụng mật gấu cũng không mang lại ý nghĩa gì”, vị vị chuyên gia khẳng định.
Nguy cơ và biện pháp thay thế
Không chỉ gây tổn hại đến môi trường trong khi công dụng nhỏ, chính tính hoạt huyết của mật gấu còn có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc cho sai lầm của người dùng.
Cụ thể, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy cho hay mật gấu giúp giảm sưng và bầm tím sau khi người bệnh đã qua giai đoạn cấp, tức lúc này, các tổn thương đã ngừng chảy máu và sang giai đoạn phục hồi.
“Tuy nhiên, trong giai đoạn cấp tính, khoảng 24-72 giờ đầu sau chấn thương, tình trạng chảy máu vẫn diễn ra, việc xoa mật gấu còn khiến máu chảy ồ ạt, tăng nặng chấn thương và mang lại nguy hiểm lớn cho người bệnh”, ông nói.
Do đó, trong những trường hợp mới bị chấn thương, bác sĩ Thủy gợi ý mọi người nên áp dụng phương pháp RICE thay vì sử dụng những sản phẩm tương tự mật gấu nhằm đảm bảo an toàn cũng như tính hiệu quả.
RICE là từ viết tắt của các bước: Nghỉ ngơi, tránh toàn bộ tác động gây đau ở vùng bị tổn thương (Rest); chườm mát ở 9-19 độ C (Ice); băng ép cố định vết vết thương (Compression); nâng cao chi thể có vùng tổn thương khoảng 10 cm (Elevation).
“Sau khi áp dụng RICE ở giai đoạn cấp tính khoảng 2-3 ngày, nếu tình trạng không thuyên giảm khoảng 30-40% so với thời điểm đầu, người bệnh nên tới thăm khám bác sĩ để được đánh giá mức độ tổn thương, nguyên nhân và có phác đồ điều trị chuyên biệt”, bác sĩ Thủy khuyến cáo.
Thay thế mật gấu bằng các biện pháp như RICE, massage, ngâm nóng, lạnh phối hợp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Ảnh minh họa: terry_shultz. |
Trong khi đó, nếu chỉ ở mức độ chấn thương vừa và nhẹ, người bệnh tiến triển tốt sau khi áp dụng RICE và qua giai đoạn cấp tính, vị chuyên gia gợi ý chúng ta tự massage cho vùng tổn thương, đồng thời sử dụng một số sản phẩm có tác dụng giảm đau, chống viêm.
Bên cạnh mật gấu, trên thị trường hiện cũng có rất nhiều sản phẩm khác có công dụng tương tự, nhưng rẻ và hiệu quả hơn rất nhiều.
Ngoài ra, bác sĩ Thủy cũng gợi ý một phương pháp khác sau giai đoạn cấp tính là ngâm nóng, lạnh phối hợp.
“Chúng ta có thể chuẩn bị 2 xô nước đặt cạnh nhau gồm một xô nước lạnh khoảng 9-12 độ C và một xô nước nóng khoảng 40-45 độ C. Người bệnh bắt đầu ngâm vùng chấn thương 5 phút trong xô nước lạnh, sau đó chuyển sang xô nước nóng tiếp tục ngâm 5 phút. Việc liên tục đổi lại như vậy sẽ đảm bảo máu lưu thông tốt hơn”, ông chia sẻ.
Cơ chế của phương pháp này là nước lạnh sẽ giúp mạch máu co lại, đẩy máu ở tổ chức chấn thương về tĩnh mạch trung tâm. Trong khi đó, khi gặp nước nóng, mạch máu lại được giãn nở, phần máu mới vận chuyển vào và nuôi dưỡng vùng bị tổn thương.
Bác sĩ Thủy khẳng định: “Cách làm này cũng đảm bảo tính hoạt huyết, giảm sưng đau, tiêu viêm tương tự, thậm chí hiệu quả hơn mật gấu, nhưng không làm ảnh hưởng tới môi trường. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà với cách làm đơn giản, tiết kiệm”.