Mức độ hiện diện của ôtô Trung Quốc ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Trong năm 2024, khách Việt đã, đang và chuẩn bị đón chào sự có mặt của loạt hãng xe từ đất nước tỷ dân như Lynk & Co, BYD, GAC, Aion, Geely, Zeekr bên cạnh khả năng cao là cả Omoda và Jaecoo.
Không chỉ vấn đề giá trị thương hiệu, ôtô Trung Quốc còn một rào cản không nhỏ cần phải vượt qua, nằm ở khâu hậu mãi bao gồm giá bán và số lượng có sẵn của phụ tùng hay câu chuyện về mạng lưới đại lý, xưởng dịch vụ.
Nơi có sẵn phụ tùng, nơi cần phải đặt trước
Trao đổi với Tri thức - Znews, tư vấn bán hàng tại một đại lý BYD ở TP.HCM cho biết tùy vào loại phụ tùng và tình trạng tồn kho, khách hàng có thể có ngay phụ tùng thay thế hoặc chờ đặt hàng từ Trung Quốc.
"Thời gian chờ từ lúc đại lý nhận yêu cầu đặt hàng đến khi có phụ tùng thay thế cho xe là khoảng 3-4 ngày", người này chia sẻ.
Tư vấn bán hàng này cũng chia sẻ danh sách một số phụ tùng BYD chính hãng kèm giá bán. Theo đó, thanh cân bằng trước/sau của BYD Atto 3 có giá lần lượt 1,6 triệu và 1,3 triệu đồng, hay dải đèn hậu giữa của mẫu crossover điện cỡ B có giá hơn 5,9 triệu đồng.
Phụ kiện BYD có thể có sẵn để thay thế ngay, hoặc cần đặt trước. Ảnh minh họa: BYD. |
Với BYD Seal, giá bán lọc điều hòa tại đại lý ở mức 152.000 đồng, lưỡi cao su ở cần gạt nước có giá cao nhất 125.000 đồng. Kính lưng phía sau của BYD Seal có giá 2,45 triệu đồng, còn dải đèn hậu giữa trên mẫu sedan điện cỡ D có giá 4,23 triệu đồng.
GAC cũng là một trong những hãng ôtô Trung Quốc mới vào Việt Nam. Hai mẫu xe đầu tiên của hãng này gồm SUV cỡ D GS8 bên cạnh mẫu MPV GAC M8.
Trao đổi với Tri thức - Znews, tư vấn bán hàng tại đại lý GAC cho hay phần lớn phụ tùng của hãng xe này đang có mặt tại kho tổng ở Việt Nam. Khi khách hàng có nhu cầu, phụ tùng sẽ sớm được chuyển về đại lý.
"Trong trường hợp phụ tùng không có sẵn, đại lý sẽ đặt hàng từ Trung Quốc với thời gian chờ dự kiến 7-10 ngày", tư vấn bán hàng này chia sẻ.
Cả cụm đèn hậu GAC M8 có giá 21 triệu đồng, sẵn hàng hoặc đặt hàng và chờ 7-10 ngày. |
Liên quan đến giá phụ tùng, người này cho biết cả cụm đèn hậu GAC M8 có giá 21 triệu đồng, còn cụm đèn chiếu sáng chính phía đầu xe có giá khoảng 40 triệu đồng.
"Chi phí bảo dưỡng của GAC rơi vào khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/lần ở các mốc đầu tiên", nhân viên tư vấn bán hàng chia sẻ thêm.
Chờ đợi mức độ cam kết của hãng xe Trung Quốc
Bên cạnh vấn đề phụ tùng, mức độ cam kết lâu dài của các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam cũng là câu chuyện mà khách hàng quan tâm.
Với phần lớn hãng xe phổ thông có lịch sử gắn bó lâu đời tại Việt Nam, mức độ cam kết được thể hiện khá rõ thông qua mạng lưới đại lý, xưởng dịch vụ rộng khắp. Nhờ đó, khách hàng có thể dễ dàng tham quan, tìm hiểu xe, còn chủ xe cũng không khó tìm nơi bảo dưỡng hay sửa chữa.
Mạng lưới đại lý, xưởng dịch vụ là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công của hãng xe. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Khi vào Việt Nam, BYD nhắm đến mục tiêu sở hữu 100 đại lý vào năm 2026. Theo thông tin đăng tải trên website chính thức, hãng xe Trung Quốc hiện có 15 đại lý tại nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước.
Omoda và Jaecoo nhắm đến sở hữu 30 đại lý tại Việt Nam ngay từ năm sau. Hai thương hiệu thuộc tập đoàn Chery đã có động thái thăm dò thị trường Việt từ rất lâu nhưng vẫn chưa chính thức ra mắt. Khi các đại lý được hoàn thiện trong khoảng 1-2 tháng tới, Omoda có lẽ sẽ bắt đầu bán những mẫu xe đầu tiên.
GAC đang thiết lập mạng lưới gồm 7 đại lý ở TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP.HCM, bên cạnh một số đại lý ở các địa phương lân cận như TP Hải Phòng, Long An, Lâm Đồng, Bình Dương. Tại sự kiện ra mắt, GAC công bố mục tiêu có được 20 đại lý tại các thành phố lớn vào năm 2025 và nhắm đến 30 đại lý trong năm tiếp theo.
Thương hiệu xe điện Aion cũng thuộc tập đoàn GAC thì chia sẻ mục tiêu sở hữu 30 đại lý vào năm 2025, trước khi nâng lên thành 50 đại lý vào năm 2026.
Các hãng xe Trung Quốc thuộc tập đoàn Geely gồm Zeekr, Geely Auto hay Lynk & Co đang được phân phối bởi Tasco, đơn vị sở hữu mạng lưới đại lý ôtô có quy mô hàng đầu Việt Nam. Do đó, khả năng hệ thống đại lý của các hãng này được mở rộng trong tương lai là khá cao.
Đơn cử, Lynk & Co hiện sở hữu 2 đại lý trên cả nước, một tại quận Long Biên (TP Hà Nội) và một ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Tuy nhiên khi Lynk & Co được chuyển sang lắp ráp trong nước, Tasco gần như chắc chắn sẽ tăng thêm số lượng đại lý phân phối hãng xe này.
Nhiều hãng xe Trung Quốc bày tỏ cam kết lâu dài thông qua mục tiêu mở rộng mạng lưới đại lý tại Việt Nam. Ảnh: GAC Aion. |
Nhìn chung, sự đổ bộ của các thương hiệu xe Trung Quốc được xem là tín hiệu khá tích cực cho thị trường xe Việt.
Khách hàng có thêm nhiều lựa chọn đa dạng hơn, mức độ cạnh tranh cũng vì thế mà được cải thiện, giúp chất lượng xe ngày càng đi lên. Thậm chí nhờ điều này, khách Việt có thể kỳ vọng giá xe trở nên "mềm" hơn nhờ cuộc chạy đua giữa các thương hiệu.
Tuy nhiên như đã nhiều lần đề cập, các hãng xe Trung Quốc vẫn còn một hành trình dài để chinh phục khách hàng Việt Nam, nhất là khi nhìn lại màn chào sân không thành công của nhóm thương hiệu này trong quá khứ.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.