Triển lãm Tiếp diễn cuộc sống (Making a living) quy tụ các tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện, giới thiệu những góc nhìn, trải nghiệm đa chiều đến khán giả. Lấy chất liệu từ những vật dụng đời thường, nhóm nghệ sĩ tiếp thêm sự sống bằng cách biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật ý niệm. Sự kiện đang được diễn ra tại Ô Art Bar (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho đến ngày 13/1/2024. |
Từ chiếc khay cơm gắn bó với những người công nhân nhà máy trong giai đoạn 3 tại chỗ, Nguyễn Việt Cường đã làm nên bức chân dung tự họa của chính anh. Khay cơm sở hữu hình dáng bên ngoài đối xứng, suôn đều, trái ngược với sự xáo trộn ngẫu nhiên ở bên trong như chính sự rối rắm của nội tâm con người. Chất liệu inox làm phản chiếu hình ảnh của chính anh lên đấy, kết hợp với sự bí bách của thời gian 3 tại chỗ khiến anh hình dung thức ăn không còn là thức ăn, người ăn đang ăn chính bản thân mình để sống. |
Tác phẩm Không đề số 4 được lấy ý tưởng từ chiếc bàn ăn inox thường thấy ở quán hủ tiếu, kết hợp việc dùng khè lửa tạo hiệu ứng đổi màu đầy ấn tượng. Khi làm nên tác phẩm nghệ thuật, Nguyễn Việt Cường hạ cái tôi cá nhân xuống, đề cao giá trị, công việc của những người lao động, giúp họ có thêm niềm tin vào những công việc đang làm. |
Từ tấm poster cũ của cô bán trứng đầu ngõ, bằng kỹ thuật xử lý chất liệu, Việt Cường đã mang đến cuộc sống nghệ thuật cho những đồ vật này. "Mục đích làm nghệ thuật của tôi đó là nỗ lực tạo nên sự cân bằng trong xã hội. Tôi muốn bình dân hóa nghệ thuật bằng cách biến chất liệu đời thường thành tác phẩm nghệ thuật để mọi tầng lớp đều có thể cảm nhận, có niềm tin trong công việc mình đang làm", anh chia sẻ. |
Triển lãm còn có sự góp mặt của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Khôi với tác phẩm xe đầu kéo. Nguyễn Khôi đã vận dụng đa ngành nghệ thuật - từ hội hoạ, điêu khắc cho đến video art để tạo nên hình ảnh sinh vật nửa người nửa máy để mở ra những đối thoại mang tính ý niệm. Bước vào thế giới của anh, người xem sẽ bắt gặp những hình ảnh được sắp đặt hỗn loạn, không theo trật tự nhất định, mở ra những suy ngẫm đa chiều, những ý niệm riêng qua cách cảm nhận của từng người. |
Nữ nghệ sĩ Nguyễn Việt Trinh (Chin) đã tạo nên tác phẩm tương tác đầy ý niệm bằng gốc cây điều bị vất bỏ. Qua những cái chạm lên gốc cây, người xem sẽ nghe thấy những âm thanh thì thào được gốc cây phản hồi lại, giống như cách mà mẹ thiên nhiên phản hồi lại trước những tác động của con người. Từ những tương tác, người xem vô thức trở thành một phần của tác phẩm với những trải nghiệm cá nhân riêng biệt. |
Những hình ảnh rất "đời", vốn dĩ đã ăn sâu vào ký ức, đời sống của người dân thành phố và tầng lớp lao động như quảng cáo cho vay tiền, khoan cắt bê tông...cũng được nam nghệ sĩ đưa vào trong tác phẩm. Nhặt nhạnh từ những vật liệu thô, Nguyễn Việt Cường khơi gợi sự chiêm nghiệm, suy ngẫm trong mỗi con người. |
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Lifestyle giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.